Hệ lụy từ quan niệm bất bình đẳng giới
VHO- Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh tăng cao trong những năm gần đây và được dự báo còn tiếp tục gia tăng trong những năm tiếp theo.
Chương trình tuyên truyền về mất cân bằng giới tính được phát động ở các trường THCS tỉnh Thái Bình
Tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta tăng ở cả thành thị và nông thôn. Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, nước ta sẽ “dư thừa” khoảng 1,38 triệu nam giới vào năm 2026.
Do tư tưởng
Nguyên nhân chính của tình trạng nêu trên là do tư tưởng trọng nam, khinh nữ. Nhiều gia đình mang nặng ước muốn phải sinh được con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, làm chỗ dựa cho cha mẹ khi về già... Mặc dù pháp luật đã quy định hết sức rõ ràng về quyền bình đẳng giữa nam nữ trong việc thừa kế tài sản, tuy nhiên hiện nay, một bộ phận không nhỏ người dân, kể cả với không ít gia đình trí thức vẫn bảo thủ với tư tưởng, chỉ con trai mới được thừa kế đất hương hỏa còn con gái thì không.
Trên thực tế, có một bộ phận người dân bị ảnh hưởng mạnh bởi tư tưởng phong kiến và nho giáo. Nó ăn sâu bén rễ vào đời sống nhiều thế hệ. Có câu “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” với ý nghĩa là “một con trai thì là có nhưng mười con gái vẫn là không có”. Theo đó, nhiều gia đình hay dòng họ từ xưa (và thậm chí cả ngày nay) vẫn có tư tưởng coi trọng việc sinh con trai. Nếu không có con cháu trai nối dõi vẫn bị xem là tuyệt tự và khi bố mẹ hoặc ông bà chết đi sẽ không có người và nơi thờ cúng. Thế nên phần lớn các gia đình hiện nay vẫn phải cố đẻ cho được con trai, nếu không sẽ bị cho là bất hiếu.
Trao đổi với Văn Hóa, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Hiện nay, pháp luật quy định về quyền thừa kế ở nước ta thể hiện rõ ràng sự bình đẳng giữa nam và nữ (tức con gái và con trai đều có quyền thừa hưởng di sản như nhau mà không có sự phân biệt giới tính. Quyền thừa hưởng di sản dựa trên quan hệ về huyết thống hoặc hôn nhân. Đây được gọi là phân chia theo hàng thừa kế). Điều 651, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rõ ở “Hàng thừa kế thứ nhất” gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết và những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Nhưng theo luật sư Thơm, trên thực tế có không ít những vụ việc tranh chấp liên quan đến vấn đề quyền thừa kế di sản của phái nữ. Đa phần, nguyên nhân của những vụ việc tranh chấp xuất phát từ sự bất bình đẳng trong quá trình phân chia di sản mà cha ông để lại. Cùng là con ruột, cùng sinh ra và lớn lên dưới một mái nhà, cùng có công sức đóng góp, quản lý, tôn tạo cũng như hoàn thành bổn phận làm con như nhau nhưng con gái lại luôn chịu thiệt thòi, đôi khi là tay trắng. Dưới một khía cạnh nào đó, việc quy định rõ quyền bình đẳng thừa hưởng di sản thừa kế là cần thiết và thực sự hợp lý.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Nhiều yếu tố tác động làm cho vấn đề này ngày càng trầm trọng như: Lạm dụng tiến bộ của khoa học - công nghệ để lựa chọn giới tính khi sinh; quy mô gia đình nhỏ buộc các gia đình phải lựa chọn có ít nhất một con trai; nhu cầu phát triển ở một số vùng đòi hỏi nhiều lao động nam; chế độ an sinh xã hội chưa bảo đảm; có cả nguyên nhân do nhiều địa phương chưa đánh giá đầy đủ hệ lụy của vấn đề này, hoặc xem đây là nhiệm vụ của ngành y tế, hội phụ nữ..., chưa có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương. Nhiều đoàn thể quần chúng vẫn đứng ngoài cuộc…
Số liệu từ cuộc điều tra Quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 đã chỉ ra rằng cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) phải chịu một hoặc nhiều hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời. Thế nhưng bạo lực gia đình lại là vấn đề mà nhiều phụ nữ ở Việt Nam không dám chia sẻ và lên tiếng. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999 cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 107 bé trai/100 bé gái. Sau 20 năm sau, tỷ số này là 115/100 trong khi mức chuẩn sinh học bình thường là 105/100. Tỷ lệ này đã đưa Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất, đứng thứ 2 châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Nếu mức tỷ số này giữ nguyên, Việt Nam sẽ dư thừa khoảng 1,38 triệu nam giới vào năm 2026 và có tới hơn 4 triệu nam giới sẽ có nguy cơ không lấy được vợ vào năm 2050.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số LHQ tại Việt Nam nhấn mạnh: “Chương trình Nghị sự 2030 vì Phát triển bền vững đặt ra cho chúng ta 17 mục tiêu phát triển, nhưng Mục tiêu Phát triển bền vững số 5 là đặc biệt quan trọng nhằm “đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái” trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong các tình huống khẩn cấp và khủng hoảng nhân đạo. Chương trình Nghị sự 2030 đã đưa ra cam kết không bỏ ai lại phía sau. Điều này có nghĩa là trong nỗ lực phát triển của chúng ta, trẻ em gái phải là một ưu tiên. Thế giới và cả Việt Nam cần đảm bảo mọi cơ hội cho trẻ em gái khi các em lớn lên và trưởng thành. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” cần phải thay đổi và chúng ta cần nhấn mạnh việc đem lại giá trị bình đẳng cho các bé gái trong mọi hoàn cảnh.
Thực tế, mất cân bằng giới tính đã và đang tác động nhiều chiều, lâu dài gây bất bình đẳng, bạo lực giới, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của cá nhân, gia đình và xã hội. Ðể thay đổi quan niệm của cộng đồng dân cư tới từng gia đình nhằm đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về gần mức tự nhiên, trước hết các cấp, các ngành và từng địa phương cần coi trọng thực hiện tốt chính sách dân số. Theo đó, cần có sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương bằng các chương trình đề án và sự đầu tư cụ thể, thỏa đáng. Ngành y tế và các đoàn thể chính trị, xã hội từng địa phương cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến từng gia đình, khuyến cáo về hệ lụy từ tư tưởng trọng nam, khinh nữ; chọn lựa giới tính khi sinh.
TRỌNG HOÀNG